Xác định doanh thu bán hàng là một công việc quan trọng của tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân kinh doanh, nhằm đánh giá hiệu quả của hoạt động kinh doanh và tiền lãi thu được. Vậy cách xác định doanh thu bán hàng thế nào và đó đã là lãi chưa? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này bạn nhé.
Xác định tổng doanh thu, doanh thu bán hàng, tiền lãi… là công việc quan trọng quyết định hiệu quả kinh doanh của một cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp nào. Bạn đã biết chính xác cách xác định doanh thu bán hàng chưa?
Doanh thu và doanh thu bán hàng là gì?
Doanh thu được định nghĩa là: “Doanh thu là tổng các giá trị lợi ích kinh tế của doanh nghiệp thu được trong một kỳ kế toán, phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, sản xuất thông thường và góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu.”
Doanh thu thông thường được tính theo từng doanh thu bộ phận rồi mới hợp nhất thành tổng doanh thu.
“Doanh thu bộ phận là doanh thu được tính trực tiếp hoặc phân bổ cho một bộ phận nào đó bao gồm doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài hoặc cho một bộ phận khác trong doanh nghiệp. Doanh thu bộ phận được trình bày trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.
Doanh thu bộ phận không gồm:
- Các thu nhập khác
- Doanh thu từ cổ tức và tiền lãi, kể cả tiền lãi của các khoản ứng trước hoặc các khoản tiền cho vay (trừ trường hợp hoạt động chủ yếu của bộ phận là hoạt động tài chính).
- Lãi từ các khoản đầu tư hoặc việc xoá nợ (trừ trường hợp hoạt động chủ yếu của bộ phận là hoạt động tài chính).
Nói chung, doanh thu bộ phận bao gồm cả phần lỗ và lãi do các khoản đầu tư tài chính được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu khi các khoản doanh thu đó nằm trong doanh thu hợp nhất của tập đoàn.
Doanh thu bộ phận thường chia theo khu vực địa lý hoặc lĩnh vực kinh doanh.
Doanh thu bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh
“Bộ phận lĩnh vực kinh doanh là bộ phận tham gia vào quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, sản phẩm riêng lẻ hoặc nhóm các sản phẩm, dịch vụ có liên quan mà có rủi ro và các lợi ích kinh tế với bộ phận kinh doanh khác.”
Để xác định sản phẩm và dịch vụ có liên quan hay không cần xét các nhân tố cần gồm:
+ Tính chất của dịch vụ hàng hóa.
+ Tính chất quy trình sản xuất.
+ Nhóm, kiểu khách hàng sử dụng dịch vụ và sản phẩm.
+ Phương pháp cung cấp dịch vụ hoặc phân phối sản phẩm được sử dụng.
+ Môi trường pháp lý như hoạt động bảo hiểm, ngân hàng hay dịch vụ công cộng.
Doanh thu bộ phận theo khu vực địa lý
“Bộ phận theo khu vực địa lý là bộ phận của một doanh nghiệp có thể phân biệt được qua việc tham gia vào việc sản xuất hay cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong phạm vi môi trường kinh tế cụ thể nào đó. Bộ phận này có lợi ích kinh tế và rủi ro ở mỗi bộ phận địa lý khác nhau”.
Để xét bộ phận theo khu vực địa lý cần xem xét các nhân tố gồm:
+ Tính tương đồng về điều kiện chính trị và kinh tế.
+ Tính tương đồng trong hoạt động kinh doanh.
+ Rủi ro có liên quan đặc biệt đến hoạt động kinh doanh trong khu vực địa lý cụ thể.
+ Các rủi ro về tiền tệ và quy định về kiểm soát ngoại hối.
Doanh thu bán hàng nằm trong doanh thu nói chung. Doanh thu bán hàng phát sinh khi có giao dịch giữa người mua (cá nhân hoặc công ty) và người bán (Công ty hoặc cá nhân).
Một bên cung cấp sản phẩm hàng hóa và dịch vụ còn một bên là nhận hàng hóa dịch vụ với sự thống nhất trước, và bên bán được nhận tiền cho bên mua trả.
Doanh thu bán hàng thường được hiểu là doanh thu bán hàng thuần, nghĩa là tổng doanh thu sau khi đã khấu trừ các khoản chi phí. Cần phân biệt rõ hai khái niệm này để tính lãi và hiệu quả kinh doanh.
Cách tính doanh thu bán hàng
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh đều sử dụng doanh thu bán hàng thuần để tính toán, đánh giá hiệu quả kinh doanh.
Để tính doanh thu bán hàng thuần thì bạn cần tính tổng doanh thu bán hàng được tính như sau:
“Tổng doanh thu = Số sản phẩm, dịch vụ đã tiêu thụ*Đơn giá bán.”
Theo đó, Doanh thu bán hàng thuần được tính như sau:
“Doanh thu bán hàng thuần = Tổng doanh thu – Các khoản giảm trừ”
Vậy các khoản giảm trừ gồm những khoản nào?
+ Chiết khấu thương mại: là khoản giảm giá so với giá bán niêm yết của doanh nghiệp với các khách hàng mua hàng số lượng lớn
+ Giảm giá hàng bán: là khoản giảm trừ so với giá bán niêm yết của doanh nghiệp cho người mua do cung cấp hàng hoá sai quy cách, kém chất lượng, lạc hậu…
+ Giá trị hàng hóa bị trả lại: là giá trị lượng hàng bán đã được xác định là tiêu thụ nhưng bị khách hàng từ chối thanh toán và trả lại.
Vậy doanh thu bán hàng thuần đã là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa? Chưa phải đâu bạn nhé.
Doanh thu bán hàng thuần hay còn gọi là doanh thu thực, từ doanh thu bán hàng thuần tính lợi nhuận như sau.
“Lợi nhuận trước tính thuế = Doanh thu thuần – chi phí doanh nghiệp, chi phí bán hàng, các khoản giá vốn hàng bán.”
“Lợi nhuận sau tính thuế = Lợi nhuận trước tính thuế – Thuế thu nhập doanh nghiệp mà doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách nhà nước.”
+ Nếu lợi nhuận sau thuế > 0 thì nghĩa là doanh nghiệp lãi.
+ Nếu lợi nhuận sau thuế < 0 thì nghĩa là doanh nghiệp lỗ.
Như vậy, cách xác định doanh thu bán hàng không đơn giản chỉ là tiền thu về khi bán hàng hóa, sản phẩm dịch vụ mà cần khấu trừ các khoản phí phát sinh.