Lâu rồi cũng gần 4 năm mới trở lại Chùa Hương. Vậy mà trong lần trở lại vừa qua, trên chuyến đò từ Bến Đục vào chân núi thăm động Hương Tích mới được nghe cô lái đò kể câu chuyện 99 con voi.
Trên con suối vào chân núi là khung cảnh thanh bình của núi non, rừng thẳm. Hai bên dòng suối lớn là những dãy núi nhấp nhô và như lời người lái đò chúng ta sẽ đi qua 99 ngọn núi tượng trưng cho 99 con voi tựa đầu vào nhau hướng về cửa động với ngụ ý quy về cửa Phật. Riêng ngọn núi cuối cùng là hình dáng của 1 chú voi đầu đàn đầu không hướng về cửa động mà lại hướng ra nhìn đàn voi còn lại. Tương truyền, con voi này bị hàm oan khi không hướng về cửa Phật nên bị chém và máu voi chảy thành Suối Yến ngày nay, nhưng thực chất chú voi đầu đàn này quay lại xem các anh em mình có tề tựu về nơi linh thiêng hay chưa…
Nỗi hàm oan của con voi đầu đàn nhờ đó mới tạo ra dòng suốt trong vắt, mang lại cho khách thập phương cảm giác thú vị khi thăm Chùa Hương, cảm giác ngồi trên thuyền chèo tay gần 1 tiếng để vào đến chân núi, trước khi bắt đầu hành trình leo gần thêm 60 phút để lên động Hương Tích, mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”.
Nỗi oan đó mang lại sự khác biệt cho 98 chú voi còn lại…Trong cuộc sống, những gì khác biệt, tạo sự khác biệt không bao giờ dễ được chấp nhận ngay từ đầu. Chúng ta nhớ đến chú voi thứ 99 chứ chỉ lướt qua 98 chú voi còn lại, đơn giản vì sự khác biệt, sự không theo “lề thói” thông thường đó. Và tất nhiên, để khác biệt, đôi khi phải trả giá bằng cả cuộc sống của mình, nhưng trong cuộc sống, để khác biệt và thật sự tạo ra giá trị cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội và “to-be-remembered” đôi khi sẽ giá trị hơn việc chỉ “tồn tại”…trên cõi đời này…dù rằng đôi khi những giá trị đó không được nhìn thấy ngay…
*HKNĐ -08 /09/2014*